Việc trì hoãn cắt giảm lãi suất của Fed có ảnh hưởng như nào với Mỹ và thế giới?

Việc trì hoãn cắt giảm lãi suất của Fed có ảnh hưởng như nào với Mỹ và thế giới?

Vân Chi

Vân Chi

Junior Editor

11:22 27/04/2024

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) và người theo dõi toàn cầu đã từng nghĩ rằng năm 2024 là thời điểm tuyệt vời để cắt giảm lãi suất. Nhưng với tình trạng lạm phát ngày càng nghiêm trọng hơn nhiều so với dự đoán của hầu hết mọi người, những kỳ vọng đó đang dần biến mất.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã xác nhận điều này vào ngày 16 tháng 4, khi ông đưa ra tín hiệu rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục trì hoãn cắt giảm lãi suất, sau một loạt dữ liệu lạm phát cao bất ngờ.

Các nhà giao dịch hiện giờ chỉ kỳ vọng một hoặc hai đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay. Đây là một sự giảm mạnh từ dự kiến 6 lần hồi đầu năm, và 3 lần như các quan chức Fed dự định hồi tháng 3. Một số nhà đầu tư và nhà kinh tế cho rằng có khả năng sẽ không có đợt cắt giảm nào trong năm nay.

Sự trì hoãn nới lỏng chính sách tiền tệ và giữ lãi suất “cao hơn trong thời gian dài hơn” có tác động lớn đến nền kinh tế Mỹ. Điều cũng có sự ảnh hưởng lớn khắp thế giới.

1. Điều gì khiến lạm phát tăng cao?

Năm 2022 lạm phát đạt đỉnh trên 7%, phản ánh sự gia tăng giá cả hàng hóa và dịch vụ trên diện rộng. Nhưng hiện nay, với lạm phát nhìn chung đã xuống dưới 3%, tăng giá xảy ra chủ yếu là do tình trạng thiếu nhà ở kéo dài. Giá hàng hóa và phí bảo hiểm ô tô cũng là một trong những yếu tố giữ lạm phát trên mục tiêu 2% của Fed.

Một số người chỉ trích Powell khi thông báo cắt giảm lãi suất quá sớm, khơi dậy sự lạc quan trên thị trường tài chính và thúc đẩy hoạt động kinh tế. Dưới đây là góc nhìn sâu hơn về các yếu tố đó:

  • Nhà ở là hạng mục cứng đầu nhất, chiếm khoảng 1/3 chỉ số giá tiêu dùng. Bất chấp một số biện pháp kịp thời từ Cục Thống kê Lao động, Zillow Group và Apartment List đã khiến mức tăng giá các hợp đồng thuê mới chậm lại, nhưng các thành phần tương ứng trong CPI vẫn chưa phản ánh điều đó.
  • Giá năng lượng – cụ thể là dầu - đã tăng trong quý đầu tiên, sau nhiều đợt giảm năm ngoái. Căng thẳng leo thang ở Trung Đông có nguy cơ đẩy giá lên cao hơn nữa. Sự gia tăng này đã khiến giá xăng và giá điện cao hơn. Mặc dù các Ngân hàng Trung ương thích xem xét các thước đo chính của lạm phát mà không bao gồm giá năng lượng do tính biến động của chúng, sự tăng vọt của giá dầu và các nguyên liệu thô khác vẫn không thể bỏ qua. Điều này là bởi vì giá dầu tăng có thể khiến hàng hóa và vận chuyển tốn kém hơn.
  • Chi phí bảo hiểm là một động lực khác dẫn đến lạm phát cao. Bảo hiểm cho người thuê nhà và chủ sở hữu nhà đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong 9 năm. Còn bảo hiểm ô tô tăng vọt 22.2% trong năm tính đến tháng 3, cao nhất kể từ năm 1976. Lý do chính là bởi ô tô hiện nay có công nghệ phức tạp hơn, dẫn đến chi phí sửa chữa cao hơn.
  • Powell đã thúc đẩy kỳ vọng của thị trường vào việc cắt giảm lãi suất khi ông phát biểu vào tháng 12 rằng việc cắt giảm chắc chắn là một chủ đề được thảo luận tại Fed. Theo Anna Wong, chuyên gia kinh tế trưởng về Hoa Kỳ tại Bloomberg Economics, tác động của bình luận đó tương đương với việc giảm lãi suất 0.14 điểm phần trăm, và đồng thời sẽ làm CPI tăng thêm khoảng 0.5 điểm phần trăm năm nay. Hiện tại, Powell “đang cân nhắc khả năng giảm phát đã thực sự bị đình trệ và ngưỡng cắt giảm lãi suất có thể đã tăng lên. Điều đó làm tăng nguy cơ sẽ không có đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, nếu tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi đáng kể so với hiện giờ”. (Tỷ lệ 3.8% hiện tại được coi là mức thấp so với tiêu chuẩn lịch sử.)

2. Những tác động đến Mỹ của việc giữ lãi suất “cao hơn trong thời gian dài hơn” là gì?

Lãi suất điều hành của Fed ảnh hưởng đến chi phí đi vay ở nhiều khía cạnh. Việc Powell đưa ra tín hiệu rằng Fed có thể tiếp tục giữ lãi suất ở mức hiện tại (5.25% - 5.5%) sẽ khiến các khoản vay mua nhà và ô tô tiếp tục đắt hơn nhiều so với trước khi Fed bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2022.

Thật vậy, lãi suất thế chấp trung bình ở Mỹ đã vượt quá 7% trong tuần này, lần đầu tiên trong năm nay. Chi phí tài chính đã cản trở đà phát triển gần đây của thị trường nhà đất, bởi những người mua tiềm năng trì hoãn cho đến khi chi phí tài chính giảm bớt. Ngoài ra, lượng hàng tồn kho vẫn ở mức thấp vì rất nhiều chủ nhà không muốn từ bỏ các khoản thế chấp giá rẻ mà họ đã có được lúc lãi suất điều hành gần bằng 0. Điều đó khiến giá niêm yết vẫn ở mức cao.

3. Chính sách của Fed ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới như thế nào?

Đối với các Thống đốc Ngân hàng Trung ương từ khắp nơi trên thế giới, đang gặp mặt tại Washington để tham dự cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới trong tuần này, chính sách xoay trục mới nhất của Powell tạo ra một tình thế khó khăn. Nếu những ngân hàng như Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Dự trữ Úc tiến hành chu kỳ nới lỏng của riêng họ, có thể làm suy yếu đồng tiền của các quốc gia đó – khiến giá nhập khẩu tăng và làm chậm lại tiến trình giảm lạm phát. Nhưng nếu họ không nới lỏng, thì lại dẫn đến nguy cơ mất tăng trưởng.

ECB đang lên kế hoạch cắt giảm lãi suất lần đầu tiên tại cuộc họp tháng 6. Việc BoE sẽ mất nhiều thời gian để chuyển sang cắt giảm lãi suất, và các nhà giao dịch định giá lần giảm đầu tiên vào mùa thu. Các quan chức tại Ngân hàng Trung Ương Canada, hiện đang tiến gần đến việc cắt giảm lãi suất, cho biết, nếu không có những dấu hiệu rõ ràng hơn từ Fed, lãi suất chỉ có thể biến động với mức độ và tốc độ nhất định.

Lucy Baldwin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu toàn cầu tại Citigroup cho biết trên Bloomberg Television: “Khó khăn hiện tại là, nếu các Ngân hàng Trung ương lớn càng trì hoãn cắt giảm lãi suất, thì sẽ có càng nhiều rủi ro đối với nền kinh tế”.

Việc giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn khiến cho USD tiếp tục mạnh so với các đồng tiền khác. Lý do là bởi triển vọng lãi suất cao liên tục của Mỹ khiến việc đầu tư vào chứng khoán Mỹ trở nên hấp dẫn hơn trên cơ sở giá trị tương đối, khiến đồng bạc xanh tăng giá. Vì vậy, khi USD càng tăng, mọi thứ càng trở nên khó khăn hơn đối với các nền kinh tế đang phát triển. Đặc biệt là đối với những nước đang có khoản nợ USD, việc trả nợ càng khó hơn khi đồng nội tệ của họ suy yếu.

Ngân hàng Trung ương Indonesia đã phải tăng lãi suất vào tháng 10 sau đợt suy yếu tiền tệ kéo dài. Ngân hàng Trung ương cho biết, họ đã can thiệp vào thị trường tiền tệ sau khi USDIDR vượt qua mức 16,000 lần đầu tiên sau 4 năm. Đối với các quốc gia như Malaysia và Việt Nam, các nhà kinh tế hiện kỳ vọng sẽ có ít đợt cắt giảm lãi suất hơn. Điều này hợp lý khi ở Malaysia, dữ liệu sản lượng cho thấy nền kinh tế đang lấy lại đà tăng trưởng. Ngân hàng Trung ương Việt Nam cũng đã phải bán USD để hỗ trợ đồng VND.

Danh mục tham khảo

  • Nhà báo Marcus Ashworth của chuyên mục “Bloomberg Opinion” viết rằng: sức mạnh của USD có nguy cơ phá vỡ thương mại toàn cầu và đã đến lúc để rút lại mục tiêu lạm phát 2% của Fed.
  • Các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence hiện kỳ vọng Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất 0.5 điểm phần trăm trong năm nay, giảm so với dự báo 1 điểm phần trăm trước đó.
  • Một bài báo của Bloomberg Businessweek chỉ ra vì sao giá thuê nhà nóng hơn dự kiến trong vài tháng đầu năm là lý do chính khiến Fed ngần ngại cắt giảm lãi suất.

Bloomberg

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Cuối tuần bùng nổ với đồng Loonie và thị trường lao động Canada
Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

Cuối tuần bùng nổ với đồng Loonie và thị trường lao động Canada

Số liệu việc làm tại Canada trong tháng 4 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, vượt xa dự đoán của giới chuyên gia. Tuy nhiên, tốc độ tuyển dụng vẫn chưa theo kịp đà gia tăng dân số và tốc độ tăng lương cũng có dấu hiệu chững lại. Điều này mở ra khả năng BoC sẽ cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng tới.
USDJPY chạm mức 120, liệu có khả thi?
Thái Linh

Thái Linh

Junior Editor

USDJPY chạm mức 120, liệu có khả thi?

Lãnh đạo một nhóm doanh nghiệp quốc gia cho rằng Chính phủ và Ngân hàng trung ương của Nhật Bản nên bắt đầu nhắm USDJPY quanh mức 120-130 vì đồng yên hiện tại quá yếu đối với các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ