KBC Bank: Tài khóa Anh rạn nứt - Lợi suất trái phiếu chính phủ chật vật

Diệu Linh
Junior Editor
Quan điểm từ bộ phận phân tích của KBC Bank.

Thị trường
Thị trường trái phiếu chính phủ chính phủ Anh (gilts) lao dốc trong phiên hôm qua, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm vọt gần 20 bps do lo ngại ngày càng lớn về tình hình tài chính công. Ngân sách vốn đã eo hẹp của nước Anh càng thêm căng thẳng khi Thủ tướng Starmer, trước áp lực nội bộ, buộc phải loại bỏ khoản tiết kiệm trị giá 5 tỷ bảng khỏi dự luật phúc lợi. Việc này khiến Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves phải tìm kiếm các phương án khác để bù đắp ngân sách – hoặc cắt giảm thêm chi tiêu, hoặc tăng thuế – nếu muốn giữ vững các quy tắc tài khóa do chính bà đặt ra. Một lựa chọn khác là điều chỉnh – tức nới lỏng – những quy tắc này, nhưng điều đó có thể khiến thị trường hoài nghi và bất an.
Reeves đến nay vẫn kiên quyết bác bỏ khả năng sửa đổi quy tắc tài khóa sau khi đã điều chỉnh một lần trước ngân sách tháng 10/2024. Tuy nhiên, nếu bà không thực hiện, người kế nhiệm có thể làm điều đó. Đồn đoán về khả năng Reeves bị thay thế gia tăng sau phiên họp căng thẳng tại Hạ viện hôm qua, khi Thủ tướng Starmer không thể hiện sự ủng hộ công khai dành cho bà. Khoảnh khắc Reeves rơi nước mắt tại nghị trường càng làm tăng tính kịch tính – và có lẽ cũng góp phần đẩy lợi suất trái phiếu chính phủtăng cao hơn. Đồng GBP bị bán tháo, khiến tỷ giá EUR/GBP vọt lên vùng 0.86–0.87 – mức đỉnh kể từ giữa tháng 4.
Làn sóng bán tháo tài sản Anh lan rộng, gây ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu. Cả Mỹ và châu Âu đều ghi nhận đường cong lợi suất dốc hơn khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài tăng mạnh. Tại Mỹ, lợi suất trái phiếu tăng từ 1.2 đến 3.8 bps, xóa sạch mức giảm trước đó sau báo cáo việc làm ADP đáng thất vọng. Lợi suất hoán đổi tại châu Âu cũng tăng từ 1 đến 5.2 bps. Ngay cả lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản cũng tăng thêm 6 điểm ở kỳ hạn dài, bất chấp phiên đấu giá trái phiếu chính phủ 30 năm diễn ra thành công.
Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá EUR/USD giữ ổn định quanh mốc 1.18 khi đồng EUR và đồng USD giằng co cân bằng. Trong khi đó, chỉ số DXY (96.77) vẫn vùng vẫy trong vùng đáy nhiều năm trở lại đây. Diễn biến hôm nay có thể đóng vai trò quyết định đối với đồng bạc xanh khi báo cáo việc làm tháng 6 và chỉ số ISM phi sản xuất chuẩn bị được công bố.
EUR/USD đang có xu hướng phá vỡ khỏi kênh tăng giá hiện tại, với mục tiêu trở lại vùng đỉnh thiết lập từ năm 2021. Nếu DXY tiếp tục suy yếu và thủng các vùng hỗ trợ gần đây, các mốc tiếp theo cần theo dõi sẽ là 95.24 và 94.65, trước khi hướng về đáy năm 2021 tại 89.21.
Theo dự báo, thị trường lao động Mỹ trong tháng 6 có thể tạo thêm 106,000 việc làm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp được cho là sẽ tăng nhẹ lên 4.3%. Chỉ số ISM dịch vụ dự kiến cũng sẽ tăng trở lại lên mức 50.6 sau khi rơi xuống dưới mốc 50 trong tháng 5 – ngưỡng này chỉ vừa đủ để phản ánh tăng trưởng. Cả đồng USD và lợi suất ngắn hạn đều đang đặc biệt nhạy cảm với bất kỳ tín hiệu suy yếu nào sau những phát ngôn gần đây của Chủ tịch Fed Jerome Powell theo hướng dovish hơn.
Về lý thuyết, lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn có thể được hỗ trợ bởi các vấn đề tài khóa – đặc biệt khi dự luật chi tiêu OBBBA vẫn đang bị đình trệ tại Hạ viện sau một cuộc bỏ phiếu thủ tục thất bại. Tuy nhiên, nếu các số liệu kinh tế công bố hôm nay gây thất vọng, thì ngay cả kỳ hạn dài của đường cong lợi suất cũng có thể quay đầu giảm cùng với kỳ hạn ngắn.
Tin tức & Quan điểm
Ngân hàng Trung ương Ba Lan (NBP) đã bất ngờ hạ lãi suất chính sách thêm 25 bps xuống còn 5%, trái ngược hoàn toàn với những tín hiệu gần đây từ các thành viên của Ủy ban Chính sách Tiền tệ. Trong thông cáo chính sách, NBP cho rằng lạm phát trong những tháng tới có thể rơi xuống dưới giới hạn trên của mục tiêu lạm phát (2.5% ± 1 điểm phần trăm). Lạm phát tổng thể tháng 6 đạt 4.1%, trong khi lạm phát lõi (chưa công bố) được kỳ vọng sẽ gần với mức 3.3% của tháng 5.
Dự báo tăng trưởng giai đoạn 2025–2027 không thay đổi nhiều (2025: 2.9%–4.3%; 2026: 2.1%–4.0%; 2027: 1.3%–3.7%), tuy nhiên, triển vọng lạm phát được điều chỉnh giảm đáng kể – đặc biệt trong năm nay (2025: 4.0% so với 4.9% trước đó; 2026: 3.1% từ 3.4%; 2027: 2.4% từ 2.5%).
NBP không đưa ra tín hiệu rõ ràng nào về các đợt cắt giảm tiếp theo. Mọi quyết định sắp tới sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu mới về triển vọng lạm phát và tăng trưởng. Các yếu tố gây bất định bao gồm chính sách tài khóa, áp lực từ phía cầu, tình hình thị trường lao động trong các quý tới và giá năng lượng do nhà nước điều hành. Thống đốc Glapinski sẽ tổ chức họp báo giải thích thêm trong ngày hôm nay. Đồng zloty sụt giá, từ vùng EUR/PLN 4.25 về gần 4.2655 khi chốt phiên.
Trái phiếu chính phủ siêu dài hạn Úc đang chật vật
Bà Anna Hughes – Giám đốc Văn phòng Quản lý Nợ Công Úc (AOFM) – cho biết cơ quan này đang cân nhắc việc cắt giảm phát hành trái phiếu chính phủ siêu dài hạn do chi phí vay mượn ở kỳ hạn này ngày càng đắt đỏ, theo Bloomberg. AOFM dự kiến phát hành khoảng 150 tỷ AUD trái phiếu chính phủ trong năm nay, chủ yếu tập trung vào kỳ hạn 10 năm. Mức lợi suất cao ở phần cuối đường cong khiến cơ quan này buộc phải trở nên linh hoạt hơn trong kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ dài hạn.
Động thái này phản ánh xu hướng chung của nhiều quốc gia phát hành nợ công lớn khác, trong bối cảnh lo ngại về thâm hụt ngân sách khiến đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ toàn cầu dốc lên đáng kể. Dù lợi suất đã có phần hạ nhiệt gần đây, trái phiếu chính phủ 30 năm của Úc vẫn giao dịch quanh mức 4.85%, so với mức 4.25% ở kỳ hạn 2 năm – trong khi Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) vẫn đang trong chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.
KBC Bank