Tâm lý doanh nghiệp Nhật Bản suy yếu do bất ổn thương mại với Mỹ

Huyền Trần
Junior Analyst
Tâm lý kinh doanh của các nhà sản xuất Nhật Bản suy yếu trong tháng 5 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm do bất ổn từ chính sách thuế quan của Mỹ và triển vọng kinh tế toàn cầu mờ nhạt. Dù một số lĩnh vực như vận tải và dịch vụ vẫn giữ được sự ổn định, niềm tin chung đang chịu áp lực bởi chi phí tăng cao và kinh tế Trung Quốc trì trệ.

Một cuộc khảo sát Tankan do Reuters thực hiện cho thấy niềm tin của các nhà sản xuất Nhật Bản về điều kiện kinh doanh trong tháng 5 đã giảm so với tháng 4 và dự kiến sẽ tiếp tục suy yếu trong ba tháng tới, khi các hành động từ phía Mỹ làm lu mờ triển vọng phục hồi kinh tế.
Tâm lý bi quan gia tăng phản ánh những khó khăn mà các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt sau đợt suy giảm trong quý một, khi đà phục hồi kinh tế đang bị đe dọa bởi các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ, đặc biệt là việc áp đặt và tạm dừng các mức thuế cao.
Cuộc khảo sát hàng tháng, được xây dựng dựa trên khảo sát kinh doanh hàng quý của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), cho thấy chỉ số tâm lý kinh doanh của các nhà sản xuất giảm từ mức +9 trong tháng 4 xuống còn +8 trong tháng 5. Dự báo ba tháng tới, con số này có thể giảm thêm xuống +7.
Dù chỉ số vẫn ở vùng dương, cho thấy số lượng doanh nghiệp lạc quan vẫn nhỉnh hơn số bi quan, nhưng mức độ tin tưởng đang suy giảm rõ rệt.
Khảo sát được thực hiện từ ngày 7 đến 16 tháng 5, sau vòng đàm phán thuế quan thứ hai giữa Nhật Bản và Mỹ. Tokyo hiện đang nỗ lực kêu gọi Washington xóa bỏ hoàn toàn các mức thuế đánh vào hàng hóa Nhật, bao gồm mức thuế 25% đối với ô tô và linh kiện ô tô.
Một quản lý tại công ty sản xuất thiết bị điện tử nhận định: “Triển vọng vẫn bất ổn, đặc biệt là do những lo ngại xoay quanh chính sách thuế quan của Mỹ.” Trong khi đó, một quản lý ngành thép cho biết: “Điều kiện kinh doanh không thuận lợi do sự đình trệ và đóng băng trong đầu tư vốn ở Nhật Bản, phần lớn là hệ quả từ chính sách thương mại của Mỹ.”
Bên cạnh đó, khảo sát cũng ghi nhận sự lo ngại của doanh nghiệp trước giá cả leo thang và tình trạng trì trệ của kinh tế Trung Quốc. Trong số 504 doanh nghiệp phi tài chính lớn được khảo sát, có 224 doanh nghiệp phản hồi ẩn danh, chia sẻ quan điểm về môi trường kinh doanh hiện tại.
Ở chiều ngược lại, lĩnh vực vận tải ghi nhận sự cải thiện mạnh mẽ trong tâm lý, đạt mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 2023. Một quản lý cho biết doanh nghiệp đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong sản lượng xe.
Tuy nhiên, triển vọng ngắn hạn không mấy khả quan khi nhiều công ty trong lĩnh vực vận tải và sản phẩm kim loại dự báo tâm lý sẽ yếu đi do lo ngại về thuế quan, áp lực lạm phát và sự suy giảm kinh tế từ Trung Quốc.
Đối với lĩnh vực dịch vụ, chỉ số tâm lý giữ nguyên ở mức +30 trong tháng 5 so với tháng 4, nhưng các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ giảm xuống còn +28 trong ba tháng tới. Chi phí lao động và nguyên liệu đầu vào gia tăng là nguyên nhân chính làm giảm sự tự tin, theo chia sẻ của một quản lý ngành vận tải. Tuy nhiên, một số công ty vẫn nhận được lực đỡ từ sự hồi phục của ngành du lịch quốc tế.
Reuters