Thuế quan của Trump: Cơn địa chấn bất định làm rung chuyển kinh tế toàn cầu

Thuế quan của Trump: Cơn địa chấn bất định làm rung chuyển kinh tế toàn cầu

Trà Giang

Trà Giang

Junior Editor

10:33 28/03/2025

Tổng thống Donald Trump đang làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu bằng chính sách thuế quan khó đoán và mạnh tay hơn bao giờ hết.

Chỉ trong vài tháng, ông đã nâng mức thuế trung bình đối với hàng nhập khẩu của Mỹ lên gấp đôi so với toàn bộ nhiệm kỳ đầu tiên. Nhưng tác động lớn nhất không chỉ nằm ở con số thuế, mà ở sự bất ổn mà nó tạo ra: doanh nghiệp Mỹ không thể dự đoán tương lai, người tiêu dùng lo ngại lạm phát, còn các đối tác thương mại thì lúng túng tìm cách đối phó.

Sau ngày 2/4 – thời điểm ông Trump gọi là “Ngày Giải phóng” – Mỹ dự kiến áp thêm hàng loạt mức thuế mới, trong đó có thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu và cơ chế thuế “có đi có lại” nhằm phản ứng với chính sách thương mại và thuế của từng quốc gia. Liệu kế hoạch này có thay đổi hay không? Không ai có thể chắc chắn, bởi Trump có toàn quyền quyết định theo ý thích nhờ sử dụng các điều khoản khẩn cấp trong luật thương mại.

Sự linh hoạt này có thể mang lại lợi thế chính trị cho Trump, nhưng nó đẩy nền kinh tế vào trạng thái hỗn loạn. Doanh nghiệp không thể lên kế hoạch dài hạn khi chiến lược thương mại của chính quyền thay đổi chóng mặt. Người tiêu dùng Mỹ cũng không yên tâm khi chi phí hàng hóa có thể tăng đột biến. Thị trường tài chính liên tục biến động trước những đòn thuế bất ngờ, còn các nước đối tác thì đứng giữa hai lựa chọn: chấp nhận nhượng bộ hoặc leo thang trả đũa.

Trong hai nhiệm kỳ của Trump, chính sách thuế quan liên tục thay đổi. Ông đã hai lần công bố mức thuế nặng với Canada và Mexico nhưng sau đó lại hoãn phần lớn. Một mức thuế 10% với Trung Quốc nhanh chóng bị tăng lên 20%. Các ngành công nghiệp từ nhôm, thép đến chip bán dẫn, dược phẩm, gỗ và thậm chí cả kim loại đồng đều trở thành mục tiêu. Giá đồng tăng vọt trong những tuần qua do thị trường lo ngại nó sẽ là nạn nhân tiếp theo của cuộc chiến thuế quan.

Không chỉ nhắm vào hàng hóa, Trump còn đe dọa áp thuế đối với các quốc gia mua dầu từ Venezuela, một biện pháp được gọi là thuế "thứ cấp" (secondary tariffs) – tức là trừng phạt cả đối tác thương mại của nước bị nhắm đến. Nếu được thực thi, đây sẽ là một cú sốc lớn đối với thị trường năng lượng toàn cầu.

Với cách tiếp cận này, chính quyền Trump đang biến thuế quan thành một công cụ ngoại giao và thương lượng quyền lực, hơn là một chính sách kinh tế có kế hoạch bài bản. Các lý do mà ông đưa ra cũng rất đa dạng, từ kiểm soát biên giới, chống buôn lậu, chênh lệch thuế VAT, thâm hụt thương mại, cho đến các yếu tố phi kinh tế như TikTok hay tham vọng lãnh thổ.

Với các doanh nghiệp Mỹ, tình hình trở nên vô cùng khó lường. Khi đối diện với Trump, họ tìm cách làm hài lòng ông bằng các cam kết đầu tư trong nước. Nhưng khi báo cáo với cổ đông, họ lại đưa ra cảnh báo về môi trường kinh doanh bất ổn. Các khảo sát cho thấy sự sụt giảm đáng kể trong kế hoạch đầu tư vốn của doanh nghiệp Mỹ – dấu hiệu cho thấy họ đang trì hoãn quyết định mở rộng sản xuất vì lo ngại những thay đổi đột ngột trong chính sách.

Nhà Trắng khẳng định rằng các mức thuế mới, đặc biệt là thuế ô tô, sẽ thúc đẩy đầu tư vào Mỹ và tạo việc làm. Tuy nhiên, thực tế lại phức tạp hơn nhiều. Các nhà máy có vòng đời dài hàng thập kỷ, trong khi chính sách thương mại của Trump thay đổi theo từng năm. Không doanh nghiệp nào muốn rót vốn vào một dây chuyền sản xuất nội địa nếu có nguy cơ chính sách thuế quan sẽ đảo chiều khi lợi ích chính trị thay đổi.

Lịch sử cũng cho thấy rằng thuế quan không phải là giải pháp thần kỳ để phục hồi sản xuất nội địa. Trong nhiệm kỳ đầu, Trump đã áp thuế mạnh lên thép nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành luyện kim Mỹ. Kết quả là chi phí sản xuất của các công ty sử dụng thép tăng mạnh, đẩy giá hàng tiêu dùng lên cao, trong khi ngành thép Mỹ chỉ hưởng lợi trong thời gian ngắn rồi lại rơi vào suy thoái.

Nếu ai nghĩ rằng chính sách thuế quan của Mỹ sẽ ổn định sau ngày 2/4, họ có thể sẽ phải thất vọng. Trump dường như thích thú với quyền lực áp đặt thuế tùy ý, biến nó thành công cụ để buộc các công ty và quốc gia phải tìm cách thương lượng với ông.

Khác với nhiệm kỳ đầu, lần này ông Trump không còn tỏ ra lo ngại về phản ứng tiêu cực của thị trường tài chính. Trong nội các của ông, những tiếng nói ôn hòa cũng dần biến mất. Scott Bessent, Bộ trưởng Tài chính và cựu lãnh đạo quỹ đầu tư, từng là một yếu tố trấn an thị trường, nhưng nay lại tuyên bố rằng điều chỉnh thị trường là “tốt cho nền kinh tế” và nước Mỹ cần một giai đoạn “thanh lọc” (detox).

Tuy nhiên, Trump không phải là người chú trọng vào chi tiết, và đó là một điểm yếu mà các bên có thể khai thác. Trong chính quyền của ông, một số cố vấn muốn tái lập quy trình đánh giá và điều tra trước khi áp thuế, thay vì áp dụng quyền khẩn cấp một cách tùy tiện. Nếu xu hướng này thắng thế, ngay cả một cơ chế đơn giản cũng sẽ là một cải tiến lớn.

Với các đối tác thương mại của Mỹ, câu hỏi đặt ra là: nên phản ứng thế nào trước làn sóng thuế quan mới? Một số nước có thể chọn trả đũa bằng các biện pháp tương tự, như họ đã làm trong nhiệm kỳ đầu của Trump. Nhưng trả đũa luôn có rủi ro: nó làm tăng chi phí thương mại và có thể dẫn đến một vòng xoáy leo thang không kiểm soát.

Thay vì đối đầu trực tiếp, các quốc gia có thể tìm cách giảm thiểu thiệt hại. Một số nước có thể đàm phán để giành ưu đãi bằng cách giảm thuế nhập khẩu của chính họ, nhằm tránh bị Mỹ trừng phạt. Ngoài ra, hợp tác thương mại khu vực có thể là giải pháp: khi Mỹ quay lưng với toàn cầu hóa, các nền kinh tế khác có thể xích lại gần nhau để bù đắp những mất mát do chính sách của Trump gây ra.

Mặc dù Trump có thể tiếp tục gây hỗn loạn trong thương mại quốc tế, nhưng điều đó không có nghĩa là thế giới phải chấp nhận để mặc tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.

The Economist

Broker listing

Cùng chuyên mục

Thuế quan Trump đang bóp nghẹt ngành sản xuất châu Á
Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Junior Editor

Thuế quan Trump đang bóp nghẹt ngành sản xuất châu Á

Hoạt động sản xuất tại đa số nền kinh tế châu Á suy giảm trong tháng 4, phản ánh phản ứng tiêu cực của doanh nghiệp trước tình trạng nhu cầu sụt giảm và bất định thương mại từ chính sách thuế quan cơ sở 10% do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt.
Thị trường trái phiếu đặt cược vào tác động tiêu cực của thuế quan đối với thị trường việc làm
Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Junior Editor

Thị trường trái phiếu đặt cược vào tác động tiêu cực của thuế quan đối với thị trường việc làm

Giới đầu tư trái phiếu Hoa Kỳ đang tích cực gia tăng vị thế, dự đoán rằng chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump sẽ kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới, từ đó buộc Cục Dự trữ Liên bang phải hạ lãi suất điều hành.
6 hướng đi giúp Fed ứng phó hiệu quả với biến động kinh tế
Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Junior Editor

6 hướng đi giúp Fed ứng phó hiệu quả với biến động kinh tế

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đang thực hiện một cuộc tái cấu trúc quan trọng về phương thức quản lý nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khi được triển khai hợp lý, đánh giá khung chính sách tiền tệ này có thể tăng cường năng lực của ngân hàng trung ương trong việc ứng phó với các cú sốc kinh tế và bất ổn chính sách.
Nhập khẩu không phải thủ phạm gây sụt giảm GDP Mỹ!
Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Junior Editor

Nhập khẩu không phải thủ phạm gây sụt giảm GDP Mỹ!

Quan điểm kinh tế của Donald Trump luôn xem thâm hụt thương mại là yếu tố bất lợi cho tăng trưởng. Quan điểm này dường như được củng cố qua báo cáo GDP gần đây. Ngày 30/4, Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ công bố nền kinh tế Mỹ suy giảm 0.3% trong quý I/2025 - đánh dấu sự sụt giảm đầu tiên trong ba năm qua. Theo Cục này, nguyên nhân chính là "sự gia tăng nhập khẩu, vốn được tính là khoản giảm trừ trong công thức tính GDP". Trước diễn biến này, ông Trump tỏ ra bối rối và quy trách nhiệm cho "hệ quả kéo dài từ chính quyền Biden". Tuy nhiên, dù đây là tin xấu đối với ông, lại là tin tốt cho chính sách kinh tế Trump (Trumponomics) khi các tiêu đề truyền thông lan rộng thông điệp rằng nhập khẩu là gánh nặng của nền kinh tế.
BoJ loay hoay với chính sách lãi suất giữa cơn địa chấn thuế quan từ Trump: Mục tiêu lạm phát tiếp tục xa vời
Trà Giang

Trà Giang

Junior Editor

BoJ loay hoay với chính sách lãi suất giữa cơn địa chấn thuế quan từ Trump: Mục tiêu lạm phát tiếp tục xa vời

Chưa đầy một tuần sau khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng hồi tháng 1, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda vẫn còn thể hiện sự tự tin. Trong cuộc họp báo khi đó, ông tuyên bố: “Chúng tôi nhận định rằng thị trường tài chính và vốn quốc tế nhìn chung vẫn ổn định kể từ sau khi ông Trump tái đắc cử.”
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ