Thủ tướng sắp nhậm chức Friedrich Merz thất bại bất ngờ trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên tại Quốc hội Đức

Ngọc Lan
Junior Editor
Friedrich Merz, nhân vật được dự kiến sẽ trở thành Thủ tướng Đức, vừa trải qua một biến cố chính trị chưa từng có khi không giành được số phiếu cần thiết trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên tại Quốc hội Liên bang. Sự việc này dự báo có thể làm chậm lại lễ tuyên thệ nhậm chức của ông, vốn dự kiến diễn ra vào ngày thứ Ba.

Vị chính khách lãnh đạo phe bảo thủ này dự kiến sẽ điều hành chính phủ liên minh giữa khối CDU/CSU của ông và đảng Dân chủ Xã hội. Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu kín, ông Merz chỉ nhận được 310 phiếu, không đạt ngưỡng tối thiểu 316 phiếu trong tổng số 630 thành viên Quốc hội Đức (Bundestag). Điều gây ngạc nhiên cho giới quan sát là liên minh ủng hộ ông thực tế đang nắm giữ tới 328 ghế trong Quốc hội.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Đức hậu Thế chiến II, một ứng viên thủ tướng không nhận được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ quốc hội ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên. Tình huống bất ngờ này đã tạo ra không khí hỗn loạn tại trung tâm chính trị Berlin. Các nghị sĩ với vẻ mặt bàng hoàng đã tụ họp thành nhiều nhóm nhỏ trong phòng họp, bàn luận về các kịch bản tiếp theo, trong khi các bình luận viên truyền hình cũng tỏ ra lúng túng trước diễn biến này.
Ngay sau kết quả bỏ phiếu, ông Merz đã rời khỏi phòng họp để tham dự cuộc họp khẩn cấp với các thành viên thuộc nhóm nghị sĩ liên minh CDU/CSU.
Trên thị trường tài chính, trái phiếu chính phủ Đức đã có sự phục hồi nhẹ sau cú sốc ban đầu, với lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm giao dịch ở mức 2.53%, thấp hơn mức 2.55% ghi nhận trước đó.
Vẫn chưa có thông tin chính thức về việc Quốc hội Đức sẽ tiến hành bỏ phiếu lần thứ hai vào thời điểm nào. Theo quy định của Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức, nếu một ứng viên thủ tướng không đạt được đa số tuyệt đối trong ba lần bỏ phiếu liên tiếp, đa số tương đối sẽ được chấp nhận trong lần bỏ phiếu thứ tư.
Ông Friedrich Merz đang tìm cách nắm quyền lãnh đạo nước Đức trong bối cảnh đặc biệt quan trọng, và thất bại tại quốc hội là một diễn biến đáng lo ngại đối với chính trị gia 69 tuổi này, người vốn đã phải đối mặt với tỷ lệ ủng hộ thấp từ cử tri Đức.
Đức hiện đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng khi nền kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ sau hai năm suy thoái, cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn ở phía đông châu Âu, và sự ủng hộ ngày càng tăng đối với đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD), đặc biệt tại các vùng thuộc miền đông nước Đức, vốn từng là lãnh thổ của Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây.
Đảng AfD với chính sách chống nhập cư cứng rắn vừa bị cơ quan an ninh nội địa Đức chính thức xếp vào danh sách tổ chức cực hữu cực đoan vào tuần trước. Đáng chú ý, đảng này đã vượt qua liên minh của ông Merz trong nhiều cuộc thăm dò dư luận gần đây và hiện đang đóng vai trò lực lượng đối lập chính trong Quốc hội Liên bang Đức.
Bloomberg