MUFG - Toàn cảnh thị trường FX: JPY phục hồi sau bầu cử thượng viện, nhưng liệu đà tăng có kéo dài?

Diệu Linh
Junior Editor
Quan điểm từ bộ phận phân tích của MUFG

đồng JPY đã phục hồi sau cuộc bầu cử Thượng viện cuối tuần qua, kéo cặp USD/JPY giảm xuống dưới ngưỡng 148.00. Theo đài NHK, liên minh cầm quyền không thể giữ được đa số, chỉ giành được 47 ghế, thấp hơn 3 ghế so với mốc 50 cần thiết. Đảng đối lập chính, Đảng Dân chủ Lập hiến, về nhì với 22 ghế, tiếp theo là Đảng Dân chủ vì Nhân dân với 19 ghế và đảng cánh hữu Sanseito đạt 14 ghế.
Sau kết quả không mấy tích cực của liên minh cầm quyền, vốn đã mất thế đa số ở cả hai viện Quốc hội, Thủ tướng Ishida tuyên bố không có kế hoạch từ chức ngay lập tức. Khi được hỏi nhiều lần về khả năng từ nhiệm, ông khẳng định ngắn gọn “đúng vậy” khi nói về việc tiếp tục tại nhiệm. Ông bổ sung rằng “vẫn còn nhiều nhiệm vụ cần hoàn thành, bao gồm nâng lương thực tế vượt lạm phát, đưa GDP đạt một triệu tỷ yên, và ứng phó với môi trường an ninh ngày càng căng thẳng”. Theo Bloomberg, chưa rõ ông Ishida có thể tại vị bao lâu, bởi ba thủ tướng gần đây của LDP đều từ chức trong vòng hai tháng sau khi đánh mất đa số Thượng viện.
Việc liên minh cầm quyền đánh mất đa số có khả năng làm phức tạp hơn quá trình hoạch định chính sách, khi chính phủ sẽ cần thương lượng nhiều hơn với các đảng phái khác để thông qua các đạo luật. Mặc dù Thượng viện có ít quyền lực hơn, cơ quan này vẫn có thể trì hoãn hoặc chặn các dự luật, ngoại trừ bổ nhiệm thủ tướng, bỏ phiếu bất tín nhiệm và thông qua ngân sách. Lãnh đạo đối lập Yoshihiko Noda (CDP) tuyên bố đang cân nhắc đệ trình kiến nghị bất tín nhiệm tại Hạ viện sau khi nghe phát biểu của Thủ tướng Ishiba trong cuộc họp báo. Tại buổi họp báo, ông Ishiba khẳng định tiếp tục liên minh với Komeito và sẽ tìm kiếm sự đồng thuận với các đảng ngoài Komeito, đồng thời loại trừ khả năng mở rộng liên minh hoặc thay đổi nhân sự vào thời điểm này. Tuyên bố này cho thấy chính phủ có kế hoạch duy trì vai trò lãnh đạo dù chỉ là chính phủ thiểu số tại cả hai viện.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Ishiba cũng đối mặt với áp lực nội bộ về khả năng từ nhiệm. Cựu Thủ tướng, hiện là Phó Chủ tịch LDP, Taro Aso được cho là không ủng hộ việc ông Ishiba tiếp tục lãnh đạo. Trọng tâm chính sách trước mắt của chính phủ sau bầu cử sẽ là thúc đẩy thỏa thuận thương mại với Mỹ trước hạn chót ngày 1/8, khi thuế quan “có đi có lại” có thể được áp dụng. Sự bất ổn chính trị gia tăng tại Nhật Bản có thể gây khó khăn cho việc đạt thỏa thuận thương mại kịp thời, qua đó tạo thêm áp lực lên nền kinh tế Nhật Bản và đồng JPY. Dưới góc độ này, chúng tôi cho rằng đà phục hồi của đồng JPY chỉ mang tính nhất thời. Sự lạc quan ban đầu về việc liên minh không mất thêm ghế và Thủ tướng Ishida cam kết tại vị nhiều khả năng chỉ mang tính ngắn hạn. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã nhấn mạnh rằng sự bất ổn chính trị là lý do chính khiến họ duy trì lập trường thận trọng với việc thắt chặt chính sách. Một thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ mang ý nghĩa quan trọng hơn đối với sự hỗ trợ bền vững cho đồng JPY.

LIÊN MINH CẦM QUYỀN MẤT ĐA SỐ TẠI THƯỢNG VIỆN
Một sự kiện kinh tế vĩ mô đáng chú ý khác trong tuần này là cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thứ Năm. Trước thềm cuộc họp, đồng EUR đã suy yếu nhẹ sau đà tăng mạnh từ tháng 3 đến tháng 6. Chỉ số tỷ giá thương mại (EEREE41) của ECB đã tăng khoảng 7% trong giai đoạn này, mức tăng chỉ xuất hiện ba lần trong vòng hai thập kỷ qua.
Đà tăng mạnh của đồng EUR đã làm dấy lên nhiều lo ngại trong giới hoạch định chính sách ECB thời gian gần đây. Theo biên bản họp tháng 6, ECB lưu ý rằng “đồng EUR tăng giá gần đây gây sức ép lên xuất khẩu” và “các rủi ro giảm phát có thể gia tăng nếu đồng EUR tiếp tục tăng mạnh”. Những quan ngại này đã được nhấn mạnh tại Diễn đàn ECB ở Sintra từ ngày 30/6 đến 2/7, nơi các quan chức như Villeroy de Galhau phát biểu rằng ECB “đang theo dõi sát sao diễn biến tỷ giá, bởi sự tăng giá của đồng EUR có ảnh hưởng rõ rệt đến lạm phát”. Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos thậm chí đề cập trực tiếp tới các mức tỷ giá EUR/USD, cho rằng “mức 1.1700 hoặc 1.2000 không quá đáng lo, nhưng nếu vượt xa hơn sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều”. EUR/USD hiện đã tiệm cận mức trung bình 30 năm quanh 1.1850 sau giai đoạn giao dịch thấp kéo dài.
Ảnh hưởng của đồng EUR mạnh hơn đến triển vọng kinh tế sẽ tiếp tục là vấn đề được giới đầu tư chú ý trong cuộc họp ECB tuần này. Chúng tôi kỳ vọng ECB sẽ giữ nguyên quan điểm từ tháng 6, tiếp tục cảnh báo rằng đồng EUR mạnh hơn đang làm gia tăng các rủi ro giảm tốc tăng trưởng và lạm phát. Trong phần hỏi đáp sau cuộc họp gần nhất, Chủ tịch ECB Christine Lagarde bày tỏ quan điểm thận trọng, coi đà tăng của đồng EUR phần nào phản ánh sự tự tin gia tăng vào triển vọng EUR thay vì chỉ là kết quả của việc đồng USD yếu đi. Chúng tôi không nhận thấy lý do để ECB thay đổi lập trường này, bất chấp việc đồng EUR đã tiếp tục mạnh lên từ sau tháng 6.
Ở kịch bản tích cực nhất, những phát biểu lo ngại hơn về đồng EUR tại cuộc họp tuần này có thể giúp làm chậm đà tăng của đồng tiền chung, song khó tạo ra sự đảo chiều xu hướng. Các thành viên thị trường cũng đã điều chỉnh lại kỳ vọng, giảm khả năng ECB cắt giảm thêm lãi suất trong năm nay bất chấp những rủi ro giảm phát từ đồng EUR mạnh. Hiện thị trường chỉ dự báo khoảng 12 bps cắt giảm tại cuộc họp tháng 9 và 26 bps trước cuối năm. Ngay cả mối đe dọa về thuế quan 30% từ Tổng thống Trump áp lên hàng hóa EU cũng chưa đủ để thúc đẩy kỳ vọng về chính sách tiền tệ ôn hòa hơn từ ECB.
Thị trường vẫn lạc quan rằng một thỏa thuận thương mại Mỹ-EU có thể đạt được trước thời hạn 1/8 nhằm giữ thuế suất hiện tại ở mức 10%. Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ điều chỉnh giảm kỳ vọng hai lần cắt giảm lãi suất 25 bps của ECB trong năm nay. Ngược lại, nếu Mỹ thực hiện tăng thuế lên 20–30%, khả năng ECB phải nới lỏng thêm sẽ mở rộng. Tuy nhiên, ngay tại cuộc họp tuần này, ECB có thể chỉ đơn giản nhắc lại rủi ro giảm giá đối với tăng trưởng và lạm phát mà không điều chỉnh chính sách, khi các quan chức vẫn giữ lập trường thận trọng sau khi lãi suất đã trở lại vùng trung lập.
MUFG