Chứng khoán châu Á lặng sóng gần đỉnh, nhà đầu tư theo dõi đàm phán thuế quan và tín hiệu từ Fed

Huyền Trần
Junior Analyst
Chứng khoán châu Á ổn định gần mức cao 4 năm khi nhà đầu tư theo dõi đàm phán thuế quan Mỹ–EU và tín hiệu chính sách từ Fed. Đồng yên phục hồi nhẹ, giá dầu giảm do lo ngại về nhu cầu.

Thị trường chứng khoán châu Á giữ vững gần mức đỉnh 4 năm trong phiên giao dịch thứ Ba, được hỗ trợ bởi mức đóng cửa kỷ lục trên Phố Wall, khi nhà đầu tư chuẩn bị cho loạt báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp lớn. Đồng thời, các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và các đối tác tiếp tục thu hút sự chú ý.
Thị trường Nhật Bản mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ đầu tuần, với phản ứng ban đầu từ nhà đầu tư trước kết quả cuộc bầu cử thượng viện vào cuối tuần qua – nơi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shigeru Ishiba chịu thất bại nhưng ông vẫn cam kết tiếp tục tại vị. Thị trường cổ phiếu Nhật tăng mạnh ngay đầu phiên, sau đó giao dịch trong biên độ hẹp, trong khi trái phiếu chính phủ ít biến động do kết quả bầu cử đã phần nào được phản ánh trước đó.
Đồng yên Nhật tăng 1% vào thứ Hai, lấy lại một phần khoản lỗ trước đó và ổn định quanh mức 147.46 JPY/USD vào sáng thứ Ba. Tuy nhiên, theo Kristina Clifton – nhà kinh tế tại Ngân hàng Commonwealth (Úc), sự suy yếu vị thế lãnh đạo của Thủ tướng Ishiba có thể tạo tiền đề cho việc nới lỏng tài khóa, điều này có thể gây áp lực lên đồng yên và trái phiếu chính phủ Nhật Bản.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ngoài Nhật Bản) đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2021 vào đầu phiên nhưng sau đó đi ngang. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số này đã tăng gần 16%.
Trên Phố Wall, chỉ số S&P 500 và Nasdaq tiếp tục lập đỉnh mới vào thứ Hai, nhờ đà tăng của cổ phiếu công nghệ dẫn đầu bởi Alphabet và kỳ vọng kết quả kinh doanh quý sắp tới sẽ khả quan.
Tâm điểm thị trường đang hướng tới hạn chót 1/8 cho các thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và các đối tác, đặc biệt là Liên minh châu Âu – nơi các nhà ngoại giao đang chuẩn bị các biện pháp trả đũa nếu không đạt được đồng thuận với Washington.
Theo Clifton, các thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với EU và Nhật Bản sẽ mang tính quyết định đối với triển vọng thị trường toàn cầu. Bà cho rằng phản ứng của đồng USD trước các thông báo thỏa thuận sẽ phụ thuộc nhiều vào chi tiết cụ thể, và có thể khiến USD suy yếu so với đồng euro và bảng Anh.
Hiện tại, EUR/USD giao dịch ở mức 1.1689 sau khi tăng 0.5% phiên trước, và đã tăng 13% trong năm nay khi nhà đầu tư chuyển hướng sang tài sản phi Mỹ do lo ngại về bất ổn thuế quan. Chỉ số USD Index (so với sáu loại tiền tệ chính) hiện ở mức 97.905 điểm.
Ngoài thương mại, thị trường cũng bị chi phối bởi những lo ngại liên quan đến tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nhiều nhà đầu tư lo lắng trước khả năng Tổng thống Trump có thể tìm cách sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell – một kịch bản từng suýt xảy ra vào tuần trước.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent ngày thứ Hai cũng kêu gọi đánh giá toàn diện lại vai trò của Fed, làm dấy lên thêm lo ngại về khả năng can thiệp của chính trị vào chính sách tiền tệ.
Hiện thị trường vẫn kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 7, nhưng có thể cắt giảm lãi suất vào cuối năm. Tâm điểm tiếp theo là bài phát biểu của Powell vào thứ Ba, nơi nhà đầu tư sẽ tìm kiếm tín hiệu về thời điểm nới lỏng chính sách. Goldman Sachs dự báo Fed có thể bắt đầu chu kỳ cắt giảm từ tháng 9, với ba đợt giảm liên tiếp mỗi đợt 25 bps– miễn là kỳ vọng lạm phát vẫn ổn định và áp lực chính trị không gây thêm bất ổn.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu giảm nhẹ do lo ngại cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu nhiên liệu toàn cầu. Hợp đồng dầu Brent giao sau giảm 0.35% xuống 68.97 USD/thùng, trong khi WTI giảm 0.31% còn 66.99 USD/thùng.
Reuter