Các traders cho rằng đà phục hồi của đồng Yên báo hiệu sự can thiệp của chính phủ Nhật Bản

Các traders cho rằng đà phục hồi của đồng Yên báo hiệu sự can thiệp của chính phủ Nhật Bản

Đặng Thùy Linh

Đặng Thùy Linh

Junior Analyst

21:40 29/04/2024

Đồng Yên mạnh lên so với đồng USD vào thứ Hai (29/04), phục hồi từ mức đáy trong 34 năm trước đó khi nhà đầu tư cho rằng có đầy đủ tín hiệu của sự can thiệp từ phía chính quyền Nhật Bản.

Khoảng 1 giờ chiều theo giờ Tokyo, đồng Yên bắt đầu tăng giá, khiến USD/JPY giảm từ 159.5 xuống 155.2 trong chưa đầy 50 phút. Giới đầu tư ở Hồng Kông, Úc và London cho biết “rất có thể” đà phục hồi là do Bộ tài chính Nhật Bản bán đồng USD dự trữ và bắt đầu mua đồng Yên lần đầu tiên kể từ cuối năm 2022.

Trước đó, USD/JPY đã tăng vọt lên mốc 160 trong phiên do chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ tiếp tục gây áp lực lên đồng tiền này. Đà lao dốc của đồng Yên được thúc đẩy sau khi BoJ giữ lãi suất ở mức gần bằng 0 vào thứ Sáu, thống đốc Kazuo Ueda không đưa ra tín hiệu nào cho thấy ông lo ngại về áp lực lạm phát xuất phát từ đồng nội tệ suy yếu.

Một số chuyên gia phân tích cho biết, các thị trường ở Nhật Bản đã đóng cửa vào thứ Hai để nghỉ ngày đầu tiên của tuần lễ vàng của nước này, tạo cơ hội cho giới chức trách Nhật Bản can thiệp đồng Yên dễ dàng hơn với khối lượng giao dịch tương đối thấp.

Nhiều nhà đầu tư và nhà phân tích cho biết sự can thiệp này dường như có thể được coi là động thái mua vào JPY với giá trị lên tới khoảng 20 - 35 tỷ USD. Họ cho rằng việc USD/JPY tăng vượt mức 160 đã buộc các quan chức Nhật Bản phải hành động, mặc dù họ không có bằng chứng chắc chắn về việc can thiệp đã diễn ra.

Quan chức hàng đầu của Nhật Bản Masato Kanda từ chối bình luận về việc liệu Bộ Tài chính có can thiệp vào thứ Hai hay không. Ông nói thêm: “Thật khó để bỏ qua những động thái đầu cơ và bất thường trên thị trường tiền tệ đang gây thiệt hại cho nền kinh tế"

Nhiều nhà đầu tư cho rằng sự biến động có thể khiến thay đổi phần nào vị thế đặt cược của họ về Yên trong vài tuần gần đây.

Diễn biến USD/JPY

Nhật Bản đã cảnh báo trong nhiều tuần rằng họ sẵn sàng hỗ trợ đồng Yên nếu biến động quá mức. Ông Ueda cho biết vào giữa tháng Tư rằng NHTW có thể hành động nếu sự suy yếu của Yên ngày càng nghiêm trọng.

Đồng Yên yếu đã thúc đẩy du lịch trong nước và thúc đẩy lợi nhuận các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong những tuần gần đây đã kêu gọi chính phủ hành động vì sự sụt giảm của đồng tiền đã làm tăng chi phí sinh hoạt và ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước.

Đồng Yên đã suy yếu gần 11% so với USD kể từ đầu năm, do triển vọng Fed có thể duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn để kiềm chế lạm phát.

Shusuke Yamada, trưởng phòng chiến lược giao dịch ngoại hối và lãi suất Nhật Bản ở Bank of America, cho biết giao dịch carry trade JPY, khi các nhà giao dịch vay Yên với giá rẻ để đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn, khó có thể giảm mạnh cho đến khi Fed bắt đầu hạ lãi suất.

Yamada cho biết việc ngăn USD/JPY tăng vượt mốc 155.00 sẽ cần sự can thiệp liên tục của chính quyền Nhật Bản để "câu giờ" cho đến khi BoJ tăng lãi suất. Ông chia sẻ thêm rằng bất kỳ sự can thiệp nào cũng cần phải lớn hơn loạt can thiệp mà Nhật Bản thực hiện vào năm 2022, với tổng trị giá khoảng 62 tỷ USD.

Benjamin Shatil, chuyên gia kinh tế cấp cao của JPMorgan tại Nhật Bản, cho rằng nếu chính quyền Nhật Bản can thiệp, hiệu quả có thể bị hạn chế vì nhà đầu tư sẽ tiếp tục khai thác lãi suất thấp của Nhật Bản và sử dụng đồng Yên như 1 đồng tiền "cấp vốn" hỗ trợ cho các giao dịch carry trade.

Ông nói: "Đây là 1 tuần bận rộn về mặt chính sách và dữ liệu của Mỹ, do đó, đây có thể chỉ là phần mở đầu cho những biến động phía trước của JPY".

Vào thứ Hai, đồng Yên cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục so với EUR, đưa EUR/JPY tăng lên mức 171.00 kể từ năm 1999.

Financial Times

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ